SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG

ĐỀN NỘI AM, XÃ LIÊN NINH - DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA
Publish date 05/09/2023 | 11:30  | Lượt xem: 1110

Đền Nội Am có từ trước năm 1637. Thờ  thành hoàng làng là ngài Nguyễn Phục và thân mẫu của Ngài  . Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: thôn Nội Am, xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội.

Lược sử

Thôn Nội Am và Thọ Am ban đầu là một làng có tên nôm Kẻ Om. Thôn Nội Am gọi là làng Om Dưới, từ năm 1947 thuộc xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Năm 1961, xã được cắt về huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Đến đầu năm 1979, xã Liên Ninh lại trở về huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Làng nằm ở phía tây nam dòng sông Tô Lịch và đối diện với cửa cống của sông Kim Ngưu. Dân làng xưa kia ngoài nghề trồng lúa còn có nghề làm bánh mứt kẹ, nay gọi là làng nghề bánh kẹo Nội Am. Từ khi có đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi qua phía tây làng, vùng này bắt đầu bị đô thị hóa mạnh mẽ.

Đền Nội Am thờ một nhân vật lịch sử là Nguyễn Phục, còn gọi Tùng Giang tiên sinh, quê ở thôn Đông, xã Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), huyện Trường Tân, trấn Hải Dương (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, Hải Dương), và thờ thân mẫu của Ngài họ Nguyễn, người Kẻ Om. Ngài đi thi khoa Quý Dậu (1453) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân rồi liên tiếp phục vụ trong 2 triều vua Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

Đền Nội Am.

Nguyễn Phục vừa có tài vừa có đức, nhà vua tin dùng cho làm quan to. Ngài được phong chức Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, rồi làm Phó tả thị giảng (dạy học cho hoàng tử Tư Thành, sau này là vua Lê Thánh Tông). Ngài còn trải qua các chức vụ khác như quan Giám thí, quan Thừa tuyên tham nghị Thanh Hoa. Ngài đã 3 lần đi sứ sang Trung Quốc và từng dạy dân trồng dâu nuôi tằm, cho nên về sau được tôn là Tổ nghề tằm tơ.

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông tự dẫn quân chinh phạt Chiêm Thành, phong Nguyễn Phục làm Đốc lương trong chiến dịch này. Không may đoàn thuyền chở lương thực khi đến cửa Tùng (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) thì phải neo đậu lại để tránh bão nên việc tiếp viện bị chậm trễ. Theo quân lệnh, ngài bị xử trảm tại bãi Nam của vịnh Sơn Trà ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần. Về sau ngài đã được minh oan và mai táng tại Thanh Hoá. Nhà vua có ban sắc phong thần và cho dựng đền thờ ở nhiều nơi.

Ngôi đền tại Nội Am còn được nhân dân gọi tôn kính là đền Mẫu Nghi. Tại các làng khác như Thọ Am, Siêu Quần, v.v.. cũng có thờ Nguyễn Phục trong đình và đều tôn vinh là Đông Hải Đại Vương.

Ngày 22/3/1988, đền Nội Am đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

KIẾN TRÚC VÀ DI VẬT

Trong đạo sắc phong sớm nhất hiện còn lại trong đền Nội Am có ghi niên hiệu Dương Hoà thứ 3, tức năm Đinh Sửu (1637) triều vua Lê Thần Tông. Như vậy ngôi đền phải được dựng từ trước năm này. Đền nằm ở ven đường, bên hữu là ngôi chùa làng Nội Am, cách con đê sông Hồng chừng 4 km về phía đông nam. Mặt đền nhìn về phía đông bắc ra sông Tô Lịch.

Đền hiện nay mang dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn với quy mô khá khiêm tốn. Toà tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trên thượng lương có ghi dòng chữ Hán cho biết đã cất nóc vào giờ Ngọ ngày 22 tháng 8 năm Bảo Đại 18 (1943). Toà hậu cung sâu 2 gian, kết nối với tiền tế thành hình “chữ Đinh”. Xung quanh đền có nhiều cổ thụ xanh mát.

Trong đền Nội Am.

Tại cung cấm của ngôi đền hiện bảo lưu 34 đạo sắc do các vị vua chúa từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX ban phong phúc thần và truy tặng mỹ tự cho ngài Nguyễn Phục. Trong số đó có 17 đạo của triều Lê trung hưng, 2 đạo của triều Tây Sơn, 13 đạo của triều Nguyễn, đạo muộn nhất ghi niên đại Khải Định thứ 9 (1924). Ngoài ra còn có một số đồ thờ mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX như kiệu bát cống, long ngai, bát hương sứ... Từ đó đến nay, ngôi đền đã trải qua vài lần được tu bổ và cung tiến đồ tế khí, tuy nhiên chính điện đã chuyển sang thờ Mẫu.